Cách Lắp Đặt Cửa Cuốn Kéo Tay Chuyên Nghiệp

Hiện nay, để tìm được đội ngũ thợ lắp đặt cửa cuốn kéo tay không khó. Trên thị trường rất nhiều công ty và thợ lành nghề lắp đặt cửa cuốn kéo tay chuyên nghiệp và có tâm. Tuy nhiên, gia chủ vẫn nên nắm bắt được cách lắp đặt cửa cuốn kéo tay để đưa ra yêu cầu phù hợp cho thợ, đồng thời giám sát quy trình lắp đặt tại công trình

Khảo sát hiện trạng công trình lắp đặt

Một bước quan trọng trước khi thực hiện bất cứ công việc nào đó là nắm bắt được chính xác về thực tế, nhu cầu và hiện trạng. Việc khảo sát công trình giúp gia chủ và đội ngũ thợ thống nhất yêu cầu và các thông số kỹ thuật trước khi lắp đặt. 

Xác định chính xác kích thước ray, gối đỡ và vị trí để chọn loại phù hợp. Tránh tình trạng ray quá dài hoặc quá ngắn gây lãng phí, thậm chí là thay ray mới.

Xác định vị trí motor trái hay phải, vị trí lô cuốn trong hay ngoài. Để có phương án lắp phím bấm âm tường, ổ cắm điện cho phù hợp và đảm bảo thẩm mỹ.

Ngoài ra, thợ cần xác định các thông số gồm: 

  • Chiều cao của cửa tính từ code 0,00 đến điểm cao nhất
  • Chiều rộng phủ bì, được tính từ khoảng cách giữa 2 đáy ray
  • Chiều rộng thông thủy là khoảng cách giữa 2 mép trong của ray
  • Vị trí cuốn lô: Xác định vị trí của lô trong và lô ngoài

Việc đo đạc kích thước cửa là bước rất quan trọng, vì chỉ cần sai lệch vài mm, có thể cửa sẽ không đảm bảo độ chính xác để vận hành.

Lắp đặt cửa cuốn kéo tay
Lắp đặt cửa cuốn kéo tay

Lắp ray và giá đỡ cho cửa cuốn kéo tay

Ray và giá đỡ là bước quy chuẩn đầu tiên để tiến hành lắp cửa cuốn kéo tay. Muốn cửa cuốn vận hành trơn tru, êm ái thì quá trình lắp ray và giá đỡ phải chắc chắn, chính xác.

Lắp ray:

  • Đảm bảo chiều dài của ray phải ngang bằng hoặc lớn hơn chiều dài của cửa khoảng 15cm, không kể phần chôn âm xuống nền nhà. 
  • Lắp nẹp chặn đáy vào ray, vị trí cách bụng lô cuốn từ 10 – 20cm. Luôn đảm bảo lắp nẹp chặn đáy trước khi lắp ray vào tường và nẹp được bắt vào mặt ray nằm phía trong công trình. (không tính lô cuốn ngoài hay trong của bộ cửa).
  • Nẹp chặn đáy cần được gia cố chặt chẽ vào thân ray bằng ốc vít đáy ray và thân ray.
  • Ray được bắt chặt vào tường bằng nhiều nẹp sắt bắt đối nhau.
  • Tuyệt đối ray phải được lắp thẳng đứng và chắc chắn (có thể dùng dây để kiểm tra, sau đó lắc thử để biết độ bền chắc của ray sau khi lắp)
  • Đảm bảo 2 mặt của thanh ray cân đối, thẳng hàng và cùng chiều cao (khoảng cách đến mép tường) là bằng nhau.

Lắp giá đỡ: 

Trước khi lắp giá đỡ nên kiểm tra vị trí bắt giá đỡ cho cửa cuốn kéo tay đã an toàn hay chưa. Tuyệt đối không bắt vào những vị trí có lỗ của viên gạch trên tường. 

  • Mặt trên giá đỡ phần nằm ngang phải cách trần nhà một khoảng nhất định từ 25 – 34cm.
  • Khoảng cách từ mặt trong giá đỡ đến đáy ray phải đảm bảo nhỏ hơn 1,5cm. Nếu lắp motor thì khoảng cách có thể giao động từ 1,5 – 2cm.
  • Mặt trên của 2 giá đỡ phải cân bằng, đặt trục cửa lên trên 2 gối gang. Bắt đai ốc vào các bulong, căn chỉnh sao cho mép cửa sát vào cạnh phía trong của 2 đáy.
  • Khi nâng cửa, chốt ly hợp luôn được đóng và mặt chốt ly hợp phải nằm song song với mặt động cơ.
  • Khi lắp giá đỡ cần kiểm tra phần nằm ngang của giá đỡ phải vuông góc với tấm cửa.
Lắp ray và giá đỡ
Lắp ray và giá đỡ

>> Xem thêm những điều cần biết về khóa cửa cuốn kéo tay

Các bước lắp đặt cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh

Để lắp đặt hệ thống cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh cần rất nhiều chi tiết cấu thành. Do đó, cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì các chi tiết này mới ăn khớp chắc chắn với nhau, giúp cửa hoạt động trơn tru và bền bỉ.

Bước 1: Chuẩn bị:

  • Kiểm tra chính xác các thông số của cửa cuốn
  • Đo lại kích thước trên ray, giá đỡ và các vật dụng lắp đặt.
  • Dùng livo nước kiểm tra độ cao của 2 giá đỡ.
  • Kiểm tra không gian hoạt động của cửa, 4 mặt xung quanh lô cuốn phải đúng tiêu chuẩn để lúc vận hành cửa không bị kẹt.

Bước 2: Tiến hành lắp cửa cuốn kéo tay

  • Lắp bộ dây rút của chốt ly hợp vào bộ ly hợp trên động cơ. 
  •  Lắp gối đỡ (bộ gối đỡ cần phải lắp sẵn vào trục cửa và động cơ trước khi đưa lên giá đỡ)
  •  Nâng cửa lên và đặt trục cửa cuốn lên 2 gối đỡ gang (tuyệt đối không để cửa rơi xuống hoặc va chạm làm xây xước hoặc móp, méo cửa)
Cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh
Cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh

Bước 3: Cân chỉnh cửa và tăng lò xo.

  • Khi đặt cửa lên 2 gối đỡ gang, trạng thái của lò xo không hoạt động (mo).
  •  Chọn 1 điểm cố định trên lô cuốn làm điểm định vị và xác định số vòng quay lô cuốn khi tăng lò xo.
  • Cân chỉnh lô cuốn để mép cửa cách đều 2 đáy ray
  • Siết chặt 2 bulon hình chữ U
  •  Mở chốt li hợp và quay lô cuốn theo chiều quay lúc cửa đóng xuống để tăng lò xo.
  •  Khi hoàn thiện, tháo tấm xốp và nilon ra (bộ phận bảo vệ cửa khỏi trầy xước). Đồng thời giữ chặt lấy thanh đáy để tránh lực đàn hồi làm bung cửa

Bước 4: Nghiệm thu công trình

Sau khi lắp hoàn thiện xong hệ thống cửa cuốn kéo tay, bạn cần nghiệm thu công trình bằng cách thử vận hành cửa, khóa cửa và nhìn ngắm lại tất cả các bộ phận của bộ cửa cuốn từ trên xuống dưới.

Nếu đúng quy trình lắp đặt và kết quả vận hành trơn tru là bộ cửa đã được lắp đặt hoàn thiện.

Cửa cuốn kéo tay (tấm liền) là một trong những loại cửa gara, cửa shop phổ biến và tiết kiệm chi phí. Chúng có khả năng bảo trì thấp, cách nhiệt tuyệt vời và cho phép bạn tận dụng tối đa không gian của mình.

Cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh
Cửa cuốn kéo tay hoàn chỉnh

Lưu ý khi chọn cách lắp đặt cửa cuốn kéo tay

 Để quy trình lắp đặt diễn ra nhanh chóng, chính xác bạn cần chú ý tới một số vấn đề sau:

  • Có thể tháo tấm xốp trước lúc căng lò xo vì phía trong đã có lớp nilon bảo vệ lô cuốn.
  • Kiểm tra cửa bằng cách dùng tay đóng mở nhiều lần, để biết độ cân bằng của lò xo. Cửa vận hành trơn chu tức là lò xo đã được cân bằng. Nếu cửa tự động rơi xuống là do lò xo trùng, ngược lại cửa bị kéo lên là lò xo căng.

Chú ý: Nếu lò xo bị căng hoặc trùng ta có thể cân chỉnh lại như sau:

  • Cuốn lô cửa lên đến khi thanh đáy được mắc vào nẹp chặn trên ray thì ta đóng chốt li hợp lại.
  •  Dùng kìm kẹp vào trục cửa và giữ chặt lấy. Đồng thời nới lỏng cả 2 bulon hình chữ U và bắt đầu dùng kìm quay trục cửa. Nếu lò xo trùng thì quay ngược chiều với chiều quay của lô cuốn lúc đóng cửa, hoặc quay cùng chiều với chiều quay của lô cuốn nếu lò xo căng.
  • Tiếp đó, giữ chặt kìm vặn ống nước để trục cửa không bị quay và vặn chặt 2 bulon hình chữ U lại.
  • Kéo mở chốt li hợp và kiểm tra lại độ căng của lò xo. Nếu lò xo vẫn tiếp tục bị căng hoặc chùng thì lại cân chỉnh như các bước vừa rồi.
  • Quá trình này cần nhiều sức nên phải có 2 thợ phối hợp ăn ý và cẩn thận, nếu không rất dễ bị hỏng cửa.

 

Trên đây là chi tiết các bước để gia chủ có thể theo dõi quy trình làm việc của đội thợ, hoặc dành cho những bạn nào đang tìm hiểu về cách lắp cửa cuốn kéo tay cơ bản. Trong trường hợp cửa cuốn dùng lâu gặp vấn đề bạn cũng có thể tham khảo để tự sửa chữa. Để có một bộ cửa cuốn kéo tay hoạt động bền bỉ và ưng ý, điều quan trọng nhất chính là bộ cửa uy tín, chất lượng.